Đình chỉ hoạt động tôn giáo trong Nghị định số 95/2023/NĐ-CP ngày 09/12/2023
Lượt xem: 2
Nghị định số 95/2023/NĐ-CP  9/12/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/3/2024 và một số

 “Đình chỉ hoạt động” là hình thức xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật trong một số trường hợp. “Đình chỉ hoạt động” cũng được xem là một biện pháp thi hành của Chính phủ đối với một số tổ chức, cá nhân khi vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động. Tùy từng trường hợp cụ thể, pháp luật ở các lĩnh vực sẽ quy định đó là hình thức xử phạt vi phạm hành chính hoặc là biện pháp thi hành. “Đình chỉ hoạt động” có thể đình chỉ toàn bộ hoặc đình chỉ một phần. Trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, một lĩnh vực đặc thù, nhạy cảm, vấn đề “đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo” của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, “đình chỉ hoạt động đào tạo” của cơ sở đào tạo tôn giáo đã được Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 (Luật) quy định, đến nya đã được Chính phủ quy định chi tiết tại Nghị định số 95/2023/NĐ-CP ngày  9/12/2023. Vấn đề này được hiểu như sau:

  1. Vấn đề đình chỉ hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc

1.1. Đình chỉ hoạt động tôn giáo

Lần đầu tiên pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo có các quy định cụ thể về vấn đề đình chỉ hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc. Điểm c khoản 1 Điều 31 của Luật quy định một trong các trường hợp tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc bị giải thể đó là “Hết thời hạn bị đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ”.

Đình chỉ hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc là đình chỉ toàn bộ hoạt động của các tổ chức. Hết thời hạn bị đình chỉ nếu các tổ chức không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ sẽ là một trong các trường hợp bị giải thể.

Trên cơ sở quy định này của Luật, Điều 12 của Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định: Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc bị đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo khi vi phạm nghiêm trọng một trong các trường hợp quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 5 của Luật. Theo đó, khoản 4 của Luật quy định “Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau”; khoản 5 của Luật quy định “Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi”.

Nghị định số 95/2023/NĐ-CP cũng quy định căn cứ tính chất, mức độ vi phạm và khả năng khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ quan ra quyết định xác định thời hạn đình chỉ nhưng không quá 24 tháng. Quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó nêu rõ tên tổ chức, người đại diện, trụ sở tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; nguyên nhân đình chỉ; thời hạn đình chỉ; trách nhiệm khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ.

Về thẩm quyền đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, Nghị định số 95/2023/NĐ-CP giao cho hai cơ quan đó là ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ đình chỉ toàn bộ hoạt động đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở một tỉnh và cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương ra quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh.

Trước khi ra quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nêu trên có trách nhiệm kiểm tra và kết luận về việc tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có vi phạm nghiêm trọng một trong các trường hợp quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 5 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo hay không. Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả quyết định đình chỉ, Nghị định cũng quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được ban hành, cơ quan nhà nước ban hành quyết định phải giao quyết định cho các cơ quan, tổ chức sau đây:

(1) Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc bị đình chỉ.

(2) Tổ chức thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc bị đình chỉ.

(3) Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương đối với quyết định đình chỉ do ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.

(4) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc đối với quyết định đình chỉ do cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương ban hành.

Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc khi nhận được quyết định đình chỉ phải dừng tất cả hoạt động tôn giáo và có trách nhiệm khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ trong thời gian bị đình chỉ.

Bên cạnh đó, Nghị định số 95/2023/NĐ-CP cũng quy định về vấn đề phục hồi cho các tổ chức nếu trong quá trình bị đình chỉ hoặc đến thời hạn mà các tổ chức khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ thì được phục hồi.

1.2. Phục hồi toàn bộ hoạt động tôn giáo cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc

Điều 13 Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định về việc phục hồi toàn bộ hoạt động tôn giáo cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc. Theo đó, ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, lập biên bản kiểm tra, ra kết luận về việc khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ toàn bộ hoạt động của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trong các trường hợp:

(1) Trong thời gian bị đình chỉ, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ và yêu cầu phục hồi hoạt động tôn giáo cho tổ chức.

(2) Trong thời hạn 30 ngày trước ngày hết thời hạn bị đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo.

Trường hợp tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc đã khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ thì được phục hồi toàn bộ hoạt động tôn giáo; trường hợp tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ thì bị giải thể theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 31 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Điều 15 của Nghị định số 95/2023/NĐ-CP.

  1. Vấn đề đình chỉ hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo tôn giáo

2.1. Đình chỉ hoạt động đào tạo

Điều 16 Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định về đình chỉ hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo tôn giáo. Theo đó, cơ sở đào tạo tôn giáo bị đình chỉ hoạt động đào tạo khi vi phạm nghiêm trọng một trong các trường hợp quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 5 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Căn cứ tính chất, mức độ vi phạm và khả năng khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ của cơ sở đào tạo tôn giáo, cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương xác định thời hạn đình chỉ nhưng không quá 24 tháng.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định quyết định đình chỉ hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo tôn giáo phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó nêu rõ tên tổ chức tôn giáo thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo, tên cơ sở đào tạo tôn giáo, người đại diện, trụ sở của cơ sở đào tạo tôn giáo; nguyên nhân đình chỉ; thời hạn đình chỉ; trách nhiệm khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ.

Để đảm bảo việc quyết định đình chỉ hoạt động đào tạo cơ sở đào tạo tôn giáo được khách quan, minh bạch và đảm bảo theo quy định pháp luật, Nghị định số 95/2023/NĐ-CP cũng quy định: Trước khi ra quyết định đình chỉ hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo tôn giáo, cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương có trách nhiệm kiểm tra và kết luận về việc cơ sở đào tạo tôn giáo vi phạm nghiêm trọng một trong các trường hợp quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 5 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày quyết định đình chỉ hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo tôn giáo được ban hành, cơ quan nhà nước ban hành quyết định phải giao quyết định cho các cơ quan, tổ chức:

(1) Cơ sở đào tạo tôn giáo bị đình chỉ.

(2) Tổ chức tôn giáo thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo bị đình chỉ.

(3) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở của cơ sở đào tạo tôn giáo bị đình chỉ.

Cơ sở đào tạo tôn giáo khi nhận được quyết định đình chỉ phải dừng tất cả hoạt động đào tạo và có trách nhiệm khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ trong thời gian bị đình chỉ.

2.2. Phục hồi hoạt động đào tạo

Cũng như các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc bị đình chỉ hoạt động tôn giáo, cơ sở đào tạo tôn giáo khi bị đình chỉ hoạt động cũng sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét để cho phép phục hồi nếu đảm bảo các quy định. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, lập biên bản kiểm tra, ra kết luận về việc khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo tôn giáo trong các trường hợp sau đây:

(1) Trong thời gian bị đình chỉ, cơ sở đào tạo tôn giáo khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ và yêu cầu phục hồi hoạt động đào tạo cho cơ sở đào tạo tôn giáo.

(2) Trong thời hạn 30 ngày trước ngày hết thời hạn bị đình chỉ hoạt động đào tạo.

Cơ sở đào tạo tôn giáo đã khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ thì được phục hồi hoạt động đào tạo. Trường hợp cơ sở đào tạo tôn giáo không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ thì bị giải thể theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 42 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Điều 19 của Nghị định số 95/2023/NĐ-CP.

  1. Các nội dung khác liên quan đến đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo, đình chỉ hoạt động đào tạo

Một là, trách nhiệm công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc đình chỉ, phục hồi hoạt động của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ sở đào tạo tôn giáo

Theo Điều 20 Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định: Việc đình chỉ hoạt động, phục hồi hoạt động của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ sở đào tạo tôn giáo phải được công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử của cơ quan ra quyết định; 01 số báo in hoặc báo điện tử ở Trung ương hoặc địa phương nơi tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ sở đào tạo tôn giáo có trụ sở trong thời hạn 15 ngày sau khi bị đình chỉ, được phục hồi hoạt động.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ, phục hồi hoạt động của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ sở đào tạo tôn giáo chịu trách nhiệm việc công bố theo quy định nêu trên. Nội dung công bố gồm tên, trụ sở tổ chức, cơ sở bị đình chỉ hoặc được phục hồi; lý do bị đình chỉ hoặc được phục hồi; thời gian bị đình chỉ hoặc được phục hồi hoạt động.

Hai là, chấm dứt hoạt động của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; quyền khiếu nại của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc khi bị đình chỉ

Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc bị đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 95/2023/NĐ-CP; cơ sở đào tạo tôn giáo bị đình chỉ hoạt động đào tạo theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 95/2023/NĐ-CP không đồng ý với quyết định đình chỉ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trong thời gian chờ giải quyết khiếu nại, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ sở đào tạo tôn giáo không được thực hiện hoạt động tôn giáo, hoạt động đào tạo tôn giáo./.

 

Phòng Tôn giáo.

web basic 2x